Trang chủ » Tranh luận » Có quá khắt khe với người chỉ sống nhờ lương?

Có quá khắt khe với người chỉ sống nhờ lương?

Tác giả:

LTS: Hầu hết ý kiến độc giả đều cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất mức khởi điểm thu thuế thu nhập 5 triệu đồng là quá thấp. Cơ quan này cần tách bạch giữa những người chỉ sống nhờ bằng lương cơ bản và những người có thu nhập “tay trái”. Nhiều đề xuất đã được đưa ra – VEF.VN tổng hợp lại, mời độc giả tiếp tục tranh luận.

“Tay trái” nuôi “tay phải”

Phản hồi sau bài viết Lạm phát gần 10%, khởi điểm thuế thu nhập vẫn 5 triệu?, độc giả Lehungaof (lehung…@hotmail.com) cho rằng, thuế thu nhập cá nhân nếu lấy mức khởi điểm để tính là 5 triệu đồng như hiện tại là quá thấp.

Theo độc giả này, vài năm qua, lạm phát luôn theo đà tiến không có hồi kết, vậy mà quy định về mức thu nhập lại cố định, vấn đề bất cập là ở đây. Do vậy, nên có chính sách thuế linh động để giải quyết tình hình trước mắt.

Trên lập luận đó, độc giả Lehungaof đưa ra hai câu hỏi:

Thứ nhất, nên căn cứ vào đâu để tính mức nộp thuế thu nhập cá nhân?

– Nếu dựa vào mức lương cơ bản thì rất đơn giản cho công tác của cơ quan thuế, tuy có vất vả hơn so với trước. Việc dựa vào mức lương cơ bản là có khả thi nhất để giải quyết vấn đề cho mức thuế thu nhập tại thời điểm này.

– Căn cứ vào các chỉ số giá cả hàng năm để điều chỉnh cho phù hợp theo từng năm. Việc này không được khả thi vì luật sẽ phải thay đổi để quy định lại mức thu nhập tính chịu thuế. Một năm thay đổi một lần, công việc này phức tạp khó để thực hiện. Nhưng nếu làm được thì rất tốt, cán bộ công nhân viên, cá nhân chịu thuế thu nhập cá nhân không phải băn khoăn về mức thu nhập chịu thuế bất cập. Việc tính thuế theo phương thức này như thế nào là vấn đề của cơ quan thuế.

Vì thế, độc giả này đề xuất, hai cách trên có thể được gộp lại làm một để khi mức lương cơ bản được điều chỉnh phù hợp với thị trường, phù hợp với mức lạm phát hàng năm, và không để chuyện tăng lương theo giá.

Với những người chỉ có lương cơ bản, mức 5 triệu đồng đã phải nộp thuế là quá thấp (ảnh SGTT)

Thứ hai, căn cứ vào đâu để tính được thu nhập của cá nhân phải chịu thuế TNCN?

Hiện nền kinh tế Việt Nam sử dụng chủ yếu tiền mặt trong thanh toán nên trả lời câu hỏi này rất khó. Việc chi trả tiền lương cho cán bộ công nhân viên trong công ty, cơ quan có thể được kiểm soát chính xác, nhưng những khoản thu nhập từ bên ngoài không có chứng từ thì làm sao có thể tính khoản thu nhập đó vào để tính thuế được?

Ví dụ: một giảng viên đại học, giảng trong trường một tháng chỉ nhận được 4-5 triệu đồng (lương + phụ cấp), nhưng chỉ cần một buổi đi giảng thêm ở bên ngoài họ cũng có thêm 4-5 triệu, bằng cả tháng lương cứng. Vậy, khoản thu nhập từ đi giảng ở bên ngoài đó có được tính trong phần thu nhập chịu thuế không khi hông có một chứng từ nào liên quan tới khoản thu ngoài đó?

Đồng tình với ý kiến này, độc giả Ngô Đức Minh cũng cho rằng, một thực tế ở Việt Nam trong nhiều năm qua (và sẽ còn tiếp diễn) là, thu nhập thực tế của mỗi cá nhân đều bao gồm hai phần: phần kiểm soát được và phần không kiểm soát được.

Phần không kiểm soát được, tùy theo từng đối tượng, có thể dao động từ không có gì đến một con số lớn hơn rất rất nhiều so với phần kiểm soát được. Vì vậy, một chính sách thuế TNCN quá khắt khe với phần kiểm soát được chỉ làm tăng nguy cơ không kiểm soát được.

Như vậy, song song với việc đưa ra một chính sách thuế đối với phần kiểm soát được, phải gấp rút tìm giải pháp thu hẹp phần không kiểm soát được, mà trước tiên là “khoanh vùng” các đối tượng này thông qua các kênh thông tin, quan sát của các tổ chức theo dõi điều tra độc lập trong nước và quốc tế.

Miễn giảm thế nào cho hợp lý?

Theo độc giả Ngô Đức Minh, riêng với phần thu nhập kiểm soát được, chí ít nên:

-Trong mọi tình huống, mức khởi điểm chịu thuế TNCN tính theo mức lương tối thiểu. Việc gấp bao nhiêu lần, có thể thay đổi vào thời điểm thích hợp tùy theo tình hình kinh tế, xã hội. Trong giai đoạn này, con số này nên là 7-10 lần.

– Mức giảm trừ, cũng cần được tính theo cách trên và phân loại đối tượng phụ thuộc theo 3 mức: người già , trẻ em đang theo học phổ thông, sinh viên đang theo học các trường chuyên nghiệp. Với đối tượng sinh viên này, có thể cần phân biệt 2 loại: nơi học cách xa nơi cư trú (nơi đăng ký hộ khẩu) trên hoặc dưới 40km (con số 40 có thể là con số khác, tương ứng với con số vẫn áp dụng trong chế độ mà cán bộ, viên chức đi công tác).

Trên thực tế, do lạm phát liên tục tăng cao, mới đây, Bộ Tài chính đề xuất ba đối tượng sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN), gồm người có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng hoặc 6,6 triệu đồng (nếu có một người phụ thuộc) hoặc 8,2 triệu đồng (nếu có hai người phụ thuộc).

Chính sách miễn giảm thuế TNCN nhằm chia sẻ gánh nặng đối với người nộp thuế trong điều kiện lạm phát hiện nay là chính sách hết sức đúng đắn và kịp thời.

Tuy nhiên, theo tác giả Hoàng Xuân Huy trên báo SGTT, mức miễn giảm thuế bao nhiêu mới thực sự là vấn đề quan tâm của người đóng thuế và toàn xã hội, bởi mức miễn giảm này cần đảm bảo nguyên tắc hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội của thuế TNCN.

Nếu căn cứ vào ba đối tượng được miễn giảm thuế, có thể thấy Bộ Tài chính đang áp dụng nguyên tắc bù trượt giá đối với thu nhập chịu thuế do lạm phát cho các đối tượng này. Mức chịu thuế tăng từ 4 lên 5 triệu đồng tương đương 25%, bằng mức lạm phát từ 1/1/2009 đến nay. Thoạt nhìn, đây có vẻ là một đề xuất hợp lý, song, thực tế có một vài vấn đề cần bàn.

Mặc dù lạm phát chung của nền kinh tế tăng 25% so với thời điểm 1/1/2009 nhưng các mặt hàng cơ bản đều tăng cao hơn rất nhiều. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giáo dục tăng gần 35%, giao thông tăng gần 30%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 35%. Đây là các mặt hàng chiếm đến 60-70% tổng chi tiêu của người dân. Do đó, để thực sự bù đắp trượt giá cho người nộp thuế TNCN, mức miễn giảm thực tế phải cao hơn mức 5 triệu đồng như đề xuất.

Ở khía cạnh khác, nếu nâng mức miễn giảm cho người nộp thuế thì cũng cần nâng mức miễn giảm cho người phụ thuộc nhằm đảm bảo tính công bằng cho người nộp thuế bởi vì rõ ràng mức 1,6 triệu đồng cho một người phụ thuộc là quá thấp so với mức giá chung của nền kinh tế hiện nay.

Nhìn xa hơn, chính sách miễn giảm thuế TNCN nhằm hỗ trợ những người có thu nhập đáng lẽ không phải chịu thuế nhưng đang phải chịu thuế theo luật thuế hiện hành. Tuy nhiên, mục tiêu này có vẻ không đạt được do chính sách đang dựa vào xuất phát điểm vốn không phù hợp mà các nhà làm luật đã căn cứ khi ban hành luật thuế TNCN.

Như đã nói, mức khởi điểm 4 triệu đồng được căn cứ từ năm 2006 không dự liệu mức lạm phát rất cao hiện nay nên khiến mức khởi điểm vốn dĩ không hợp lý càng trở nên lạc hậu trong giai đoạn hiện tại. Để đạt được mục tiêu của chính sách, cần phải xem xét lại mức chịu thuế căn cứ trên thu nhập và chi tiêu thực tế hiện nay của người dân.

Với lượng người nộp thuế TNCN có mức chịu thuế 0-5 triệu đồng/tháng (ứng với mức thuế suất 5%) chiếm đến 90% tổng số người nộp thuế TNCN và chỉ chiếm 30% tổng thu từ thuế TNCN, Bộ Tài chính có một không gian rất rộng để đưa ra những đề xuất mang lại phúc lợi lớn hơn cho người dân mà không làm ảnh hưởng đến cán cân ngân sách của Nhà nước.