Trang chủ » Tranh luận » Nhà nước quản lý DN còn mang tính tình thế

Nhà nước quản lý DN còn mang tính tình thế

Tác giả:

LTS: Việc phát động và thực hiện “tái cấu trúc doanh nghiệp” là một chủ trương lớn, rất quan trọng của Đảng và Nhà nước, có thể coi là một nội dung trọng tâm, xuyên suốt của kỳ kế hoạch 5 năm tới đây.

Diễn đàn VNR500 đăng tiếp phần 2 bài viết của PGS. TS Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính  sách công nghiệp – Bộ Công Thương trên web Chính phủ để bạn đọc cùng nghiên cứu, tranh luận (tít do VNR500 đổi lại).

Mọi ý kiến xin gửi về [email protected].

Hoạt động quản lý Nhà nước đối với các DN còn mang tính chất tình thế, khi xảy ra vụ việc, hiện tượng nào đó thì thành lập các tổ chức (Hội đồng, Ban, Tổ công tác…) để giải quyết. Cách làm này tuy là cần thiết nhưng không mang tính bền vững của quản lý Nhà nước đối với DN, cần có cách tiếp cận khác.

Tái cấu trúc doanh nghiệp căn bản từ Thể chế

Về dài hạn, phải thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp căn bản từ Thể chế.

Nội dung cốt lõi của tái cấu trúc doanh nghiệp (TCTDN) từ thể chế là việc xây dựng và ban bố “hệ thống chuẩn trị DN của Việt Nam”.

Căn cứ vào hệ thống thể chế chính trị, văn hóa kinh doanh, các điều kiện và môi trường kinh doanh cụ thể, khoa học quản trị đang tạm khu trú 3 trường phái quản trị cơ bản là Trường phái quản trị Anh – Mỹ, Trường phái Đức và Trường phái Nhật Bản với sự khác biệt trên 13 tiêu chí so sánh.

Tuy vậy, các trường phái này đang ngày càng hội tụ theo xu thế hội nhập quốc tế và ngày càng phù hợp dần với hệ thống chuẩn trị của OECD.

Hệ thống chuẩn trị của OECD được ban bố năm 1999, chỉnh  sửa và hoàn thiện vào năm 2004 và được Diễn đàn ổn định tài chính thế giới; Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO); Mạng lưới quản trị quốc tế (ICGN) công nhận là quy tắc chung đối với các quốc gia và công ty. 5 chuẩn trị của OECD là: Hiệu quả, công bằng, minh bạch, trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm pháp luật.

Theo kinh nghiệm nhiều năm làm tư vấn cho các DN, Hệ thống các văn bản nội bộ thuộc phạm vi thiết chế ở các DN lớn có thể lên tới hàng nghìn văn bản (gồm cả ở Công ty mẹ và các công ty con).

Có thể nói ở Việt Nam, Công ty Vinamilk là một điển hình tốt về hệ thống văn bản thiết chế nội bộ, các văn bản này phần lớn được thực hiện với sự cộng tác của các tổ chức tư vấn. Điều này theo tôi biết ở Vinashin đã làm chưa tốt.

Nhiều nước ở châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã ban hành hệ thống chuẩn trị theo OECD.

Từ các kinh nghiệm đó, có lẽ đã đến lúc cần nghĩ đến việc ban bố và thực thi “hệ thống chuẩn trị DN của Việt Nam”. Đây sẽ là bước tái cấu trúc thể chế quan trọng để Việt Nam hội nhập vào hệ thống quản trị DN văn minh quốc tế.

Đổi mới hệ thống thiết chế DN phù hợp với điều kiện kinh doanh mới

Dựa vào hệ thống chuẩn trị doanh nghiệp được ban bố, các DN buộc phải hoàn thiện hệ thống thiết chế nội bộ theo bộ chuẩn trị đó. Cơ quan quản lý Nhà nước về quản trị DN (cần được thành lập trong tương lai như kinh nghiệm của các nước) sẽ là cơ quan thẩm định, phê chuẩn các thiết chế nội bộ DN.

Cơ quan này sẽ khai thác, sử dụng tối đa các tổ chức tư vấn trong việc thực thi nhiệm vụ. Những quy định bắt buộc về điều lệ, về số lượng và loại quy chế quản trị DN, các nội quy và quy định[1] bắt buộc phải có để quản lý công ty theo bộ chuẩn trị sẽ là con đường nhanh nhất, minh bạch nhất của thiết chế quản trị DN của nước ta.

Tiếp tục tái cơ cấu định chế của các DN

Ở các Tập đoàn lớn, các Tổng công ty có nhiều định chế (nhiều công ty con, kinh doanh đa lĩnh vực…) thì việc kiện toàn các định chế là vấn đề thường xuyên và liên tục. Việc giải thể theo luật phá sản, tách nhập các công ty con, việc mua, bán, thành lập mới các DN… làm cho định chế công ty thường xuyên thay đổi.

Tuy vậy định chế DN cần và phải bảo đảm đúng trật tự pháp luật (đúng thể chế), phải bảo đảm tăng tính minh bạch (thiết chế rõ ràng) do đó việc tái cấu trúc các định chế trong DN phải được thực hiện khoa học, đúng luật.

Việc tập đoàn Vinashin thành lập gần 200 công ty con trong vòng 3 năm làm thay đổi đột biến các định chế, mà thể chế và thiết chế không theo kịp là nguyên nhân cơ bản gây nên sự cố ở Tập đoàn này. Trong điều kiện đó, do không thể có báo cáo tài chính hợp nhất nên không thể đánh giá, kiểm soát  đúng hiệu quả thật.

Xin đề xuất một quy trình kiện toàn định chế DN gồm các bước:

Trước hết khẳng định tầm nhìn, định hướng chiến lược và mục tiêu kinh doanh của DN tái cơ cấu. Ở đây cần chỉ rõ lĩnh vực kinh doanh chủ đạo. Thậm chí chỉ rõ sản phẩm chính, bộ phận chính mà DN sẽ chế tạo.

Trên cơ sở đó xác định hệ thống các DN công nghiệp hỗ trợ (DNCNHT) phù hợp. Đây là việc làm hết sức quan trọng vì nếu xác định đúng sẽ đảm bảo DN có một định chế gọn nhẹ, dễ liên kết và hiệu quả, mặt khác sẽ thúc đẩy xã hội hóa phát triển các DNCNHT không thuộc định chế của DN tái cấu trúc.

Ngược lại nếu xác định không chính xác các định chế nội bộ thì vẫn tiếp tục phải gánh chịu hiệu quả thấp và các bất cập trong quản lý DN.

Về vấn đề này xin nhắc lại “Luật xúc tiến thầu phụ” mà Tổng thống Hàn Quốc ban bố năm 1975, luật này ghi rõ: “Cấm DN lớn làm chi tiết nhỏ” và ban hành danh mục 1.553 chi tiết, linh kiện DN lớn không được làm mà buộc phải để cho các DN vừa và nhỏ độc lập thực hiện. Đây là một đạo luật có tác dụng rất lớn trong việc phát triển CNHT của Hàn Quốc.

Để xác định đúng đắn các định chế thành viên của DN tái cấu trúc cần xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá sự phù hợp, trong đó chú ý: Các định chế trong DN mới (sau tái cấu trúc) phải thực sự hiệu quả trong việc phát huy công suất phục vụ cho sản xuất chính. Nói cách khác là bảo đảm khai thác tối đa “hệ số đồng bộ công suất” của các định chế thuộc DN; các định chế này phải liên kết tốt nhất trong việc khai thác năng lực sản xuất kinh doanh như liên kết sử dụng thiết bị, công nghệ và các dịch vụ công nghiệp khác (như kiểm định chất lượng, tư vấn, thông tin…).

Mặt khác phải khắc phục triệt để tình trạng tổ chức sản xuất khép kín trong các DN lớn; phải bảo đảm giảm thiểu các rủi ro thị trường bởi vì nếu các sản phẩm cuối cùng không tiêu thụ được sẽ làm cho toàn bộ các định chế trước đó phải ngừng hoạt động, lãng phí sẽ lớn nếu có quá nhiều  định chế trong một DN.

Ví dụ nếu đóng tàu mà có quá nhiều định chế thuộc tập đoàn (như nhà máy sản xuất thép, que hàn, sơn…) thì khi khủng hoảng không bán được tàu sẽ đình trệ sản xuất thép, que hàn, sơn…

Khi đó thật khó có thể bán thép, que hàn, sơn ra thị trường đang trong điều kiện khủng hoảng , đặc biệt là các hãng sản xuất thép, que hàn, sơn chuyên môn hoá và sản xuất số lượng lớn luôn chiếm ưu thế cạnh tranh về giá cả và chất lượng cũng như quan hệ cung ứng.

Phải đảm bảo được các tôn chỉ chất lượng sản phẩm vì nếu các chi tiết được cung cấp từ các công ty con của một tập đoàn chẳng hạn thì việc kiểm soát chất lượng sẽ khó khách quan. Ví dụ nếu trong tập đoàn Vinashin có nhà máy sản xuất que hàn thì việc cung cấp que hàn không được kiểm tra nghiêm ngặt sẽ dễ gây rủi ro cho tàu thành phẩm nhất là khi thiết chế nội bộ còn lỏng lẻo.

Phải bảo đảm có được báo cáo tài chính hợp nhất minh bạch nhất. Đây là tiêu chí kỹ thuật nhưng rất quan trọng vì nếu có quá nhiều định chế với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau (như Vinashin vừa qua) thì rất khó có được báo cáo tài chính hợp nhất.

Từ các khó khăn của tập đoàn Vinashin vừa qua càng cho thấy TCTDN nhất là DNNN là một vấn đề rất cấp thiết. Một mặt về dài hạn cần bắt đầu từ  thể chế, hoàn thiện thiết chế đến xác định khoa học các định chế trong các Tập đoàn, Tổng công ty.

Để thực hiện vấn đề trọng đại này, vai trò to lớn đặt lên “Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN” của Chính phủ mà trong tương lai cần phải thực hiện chức năng là một Ủy ban quốc gia về quản trị DN như kinh nghiệm của các nước. Đồng thời với một hệ thống chuẩn trị DN quốc gia, việc tham gia của hệ thống các tổ chức tư vấn có ý nghĩa vô cùng quyết định.