Trang chủ » Tranh luận » Doanh nghiệp Nhà nước và nguy cơ “tham nhũng” chính sách

Doanh nghiệp Nhà nước và nguy cơ “tham nhũng” chính sách

Tác giả:

LTS: Trao đổi bên lề Hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế: phân bổ nguồn lực tài chính và vai trò kinh tế tư nhân” được tổ chức ngày 31/8, TS Nguyễn Đức Thành cảnh báo cần đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh về sự phân bổ nguồn lực, trong đó có chính sách.

Bởi hiện nay, các công ty tư nhân – tuy được coi là thành phần động lực của nền kinh tế, lại không được hỗ trợ nhiều.

Tại sao DNNN lâu nay có nhiều lợi thế lại chưa phát huy được, thậm chí còn sai phạm như Tập đoàn Vinashin vừa qua? Cần làm gì để hạn chế tình trạng này? Làm thế nào để kinh tế tư nhân thực sự phát triển? Hay chia sẻ ý kiến của bạn qua [email protected].

TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, để thực sự đặt DNNN trong môi trường cạnh tranh thì không chỉ thuần túy về sản phẩm của họ mà còn là toàn bộ nguồn lực mà họ tiếp cận: như tiếp cận về vốn, đất đai … tất cả đều phải cạnh tranh – khi đó mới có sự cạnh tranh thực sự.

Mô hình các DNNN liên quan đến câu chuyện làm chính sách. Cần tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN ra khỏi hoạt động hoạch định chính sách hoặc là hoạt động ảnh hưởng chính sách.

Có một thực tế hiện nay là các DNNN được trao thêm nhiều trách nhiệm như: bình ổn thị trường; xóa đói giảm nghèo; chống lạm phát… hay dựa trên những mối quan hệ lịch sử, các lãnh đạo DNNN có thể sử dụng những lợi thế về thông tin, và tác động lên việc hoạch định chính sách để tạo ra lợi nhuận và họ sẽ không có nhiều động lực để sáng tạo, tìm kiếm các cơ hội mới…

Ngoài ra, nguồn lực nữa mà không quy được rõ ra đó là những quyền lợi, cơ hội về mặt chính sách cũng phải được bình đẳng.

TS Nguyễn Đức Thành – GĐ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR, ĐHQG Hà Nội

“Mấu chốt của tăng trưởng kinh tế trong dài hạn là tinh thần khởi sự doanh nghiệp, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám mạo hiểm khám phá những cơ hội mới… Đó là động cơ để nền kinh tế tư bản tăng trưởng trong cả trăm năm qua”, ông Thành nói.

Nhưng DNNN ở Việt Nam không làm được nhiều vấn đề này. Câu chuyện khá đơn giản là vì nếu không làm những việc đó thì họ vẫn tồn tại, vẫn thống lĩnh, chi phối thị trường với những đặc quyền đặc lợi của mình.

Vai trò của sở hữu, bản chất của sở hữu liên quan đến động lực làm việc của những doanh nghiệp đó, từ khâu quản trị, giám sát tài sản, nguồn vốn được sử dụng như thế nào, đến việc bổ nhiệm quản lý hiệu quả đồng vốn đó.

Đây là chỗ tạo ra bất cập lớn nhất cho sở hữu trong các DNNN. Nó như là một thể chế, đến lượt nó lại cử những người đại diện và phải qua rất nhiều lần đại diện như vậy nên động lực giám sát bị mất đi.

Trường hợp Vinashin là điển hình, họ làm trái những chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ. Đơn vị đại diện cho chủ sở hữu nhưng điều đó đặt câu hỏi vì sao những sai phạm lớn như thế lại tồn tại trong thời gian dài như vậy.

Vấn đề khác là thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Theo ông Thành, để thị trường hóa được những ngành này thì các DNNN cần có những quy chế như đặt hàng khu vực tư nhân ở những khâu mà DN tư nhân có lợi thế, sản xuất các mặt hàng trong chuỗi giá trị đó, cần có những dư địa, nhưng khoảng không gian mang tính thể chế, chính sách để doanh nghiệp tư nhân tham gia.

Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ngay cả khi các DNNN đang giữ vai trò chủ đạo rồi, nhưng một số lĩnh vực trong ngành đó phải đặt hàng doanh nghiệp tư nhân. Điều này tạo ra một quá trình động, và các DN tư nhân có khẳ năng lớn mạnh dần lên.