Trang chủ » Điểm nóng » Cuộc rượt đuổi trường kỳ giữa lương và lạm phát

Cuộc rượt đuổi trường kỳ giữa lương và lạm phát

Tác giả:

LTS: Từ ngày 1/5, lương tối thiểu đã được tăng lên 830.000 đồng đối với cán bộ công chức, viên chức lao động trong các cơ quan, đơn vị nhà nước và lực lượng vũ trang. Mức lương tối thiểu chung này được dùng làm cơ sở tính các mức lương trong hệ thống thang, bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện một số chế độ khác theo quy định.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam xin giới thiệu loạt bài về tăng lương tối thiểu và tác động thực với đời sống xã hội.

Mọi ý kiến trao đổi mời gửi về [email protected] hoặc nhập vào hộp phản hồi phía dưới.

Lương tối thiểu “rượt đuổi” lạm phát như thế nào?

Trong 10 năm qua, từ 2002 tới 2011, đã có 7 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, vẫn chưa có các thống kê chính thức để phân tích sự thay đổi của lương so với biến động của lạm phát và nền kinh tế.

Năm

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

2011

CPI

0,8

4,0

3,0

9,5

8,4

6,6

12,6

19,9

6,52

11,75

9,64 (4 tháng)

GDP

6,79

6,89

7,08

7,34

7,79

8,44

8,23

8,46

6,18

6,32

6,78

Lương tối thiểu

210

210

290

290

350

450

450

540

650

730

830

(Chỉ số CPI và tốc độ tăng GDP: %; Lương tối thiểu: ngàn đồng)

Theo cách tính toán của TS. Nguyễn Quang A tại diễn đàn về định hướng cải cách tiền lương công chức thời kỳ 2011-2020 được tổ chức cuối năm ngoái, ta có thể tính mức tăng lương thực từ bảng thống kê trên.

Theo đó, từ 2001 đến 2010, đồng tiền đã mất giá 2,154 lần (nhân (1+CPI) của tất cả các năm). GDP tăng trong thời gian tương ứng là 2,172 lần  trong khi mức lương tối thiểu của công chức đã tăng 3,952 lần.

Lấy mức tăng lương tối thiểu chia cho sự mất giá của đồng tiền, ta được mức tăng lương thực sự (3,952/2,154=1,83 lần), thấp hơn mức tăng GDP (2,172) một chút.

Theo TS Nguyễn Quang A thì có lẽ đấy là lý lẽ căn bản của việc điều chỉnh lương tối thiểu.

Cũng từ bảng thống kê trên có thể thấy 3 cặp năm mà lương tối thiểu không được điều chỉnh là 2001-2002, 2003-2004 và 2006-2007. Trước năm có thay đổi lương tối thiểu, lạm phát đều tăng cao so với các năm trước.

“Chính sách điều chỉnh lương luôn trễ (ít nhất) 1 năm và có lẽ chủ yếu như một phản ứng đối với áp lực từ người lao động và dư luận,” TS. Nguyễn Quang A phân tích.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng chính sách của nhà nước đã điều chỉnh ở mức độ nhất định lương theo lạm phát và dựa vào lạm phát quá khứ trước khi điều chỉnh.

“Cách điều chỉnh này tốt hơn là cách chỉ số hóa, tức là lương điều chỉnh theo chỉ số CPI, vì cách chỉ số hóa rất nguy hiểm. Nó làm hằn sâu “kỳ vọng lạm phát” và có thể là một nhân tố đẩy lạm phát vào vòng xoáy không kiểm soát được,” TS. Nguyễn Quang A nhận định.

Từ 2002 tới 2011, đã có 7 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu.

Tuy nhiên, bình luận về cách tính này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng lạm phát trong những năm qua diễn biến phức tạp hơn nhiều so với các con số thống kê trên và gây ra những tác động xấu đáng kể cho đời sống của công chức và những người làm công ăn lương, nhất là những người có mức lương thấp và không có thu nhập khác ngoài lương.

Lạm phát nói lên mức tăng giá bình quân trong cả nền kinh tế, song nếu tính theo tương quan với tiền lương thì tỉ lệ tăng giá sẽ rất khác nhau giữa những người có mức lương khác nhau, mà số người lương thấp lại chiếm số đông. Ngoài ra, cũng có nhiều chi phí tăng lên song không được tính vào lạm phát.

“Cần có đánh giá sâu về vấn đề này để tránh sự ngộ nhận rằng chính sách điều chỉnh tiền lương khi có lạm phát như vừa qua đã là tốt, là ổn cho mọi đối tượng hưởng lương,” bà Phạm Chi Lan nhận định.

Liệu có “té nước theo mưa”?

Dư luận vẫn thường lo ngại các DN và tiểu thương sẽ “té nước theo mưa” sau mỗi lần tăng lương. Nhiều công chức còn than trời “Lương ơi đừng tăng nữa” vì lo lương không đuổi kịp lạm phát.

Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) khẳng dịnh cũng như các lần trước, tăng lương lần này Nhà nước không in thêm tiền mà nguồn để thực hiện xuất phát từ thành quả của phát triển kinh tế.

“Như vậy, về nguyên lý thì chúng ta không tăng tiền của tổng nền kinh tế nên không gây sức ép đến mặt bằng giá,” ông Thỏa nói. “Tuy nhiên, về thực tế vẫn gây sức ép đến mặt bằng giá do quỹ tiêu dùng hàng hóa dịch vụ tăng. Quỹ này trực tiếp ra thị trường và “chui” vào giá hàng hóa, dịch vụ, cộng thêm yếu tố tâm lý “điều tiết” của người bán hàng tác động vào… “

Soi vào các lần tăng lương tối thiểu trước có thể thấy sự điều chỉnh lương ít tác động đến mặt bằng giá của các tháng sau đó.

Chẳng hạn như tháng 1/2009, khi lương tối thiểu được điều chỉnh lên 650.000 đồng thì CPI tháng đó tăng 0,32% và tháng sau đó là 1,17% (có cộng hưởng thêm của Tết). Đến tháng 3 thì CPI chỉ còn 0,17%.

Còn năm ngoái, sau khi lương cơ bản được điều chỉnh lên 730.000 đồng, CPI 3 tháng sau đó chỉ giao động từ 0,06% đến 0,23%, mức thấp nhất trong năm.

Vì thế, nhiều chuyên gia nhận định việc tăng lương lần này sẽ không đẩy giá lên quá cao.

“Khách quan là trước khi tăng lương đã tăng giá rất lớn rồi. Khi tăng lương thì người dân không chịu được nữa nên người được tăng lương vẫn căn cơ, tằn tiện hơn,” ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội.

Ông Phong cho rằng trước đây có một thời kỳ cứ tăng lương là giá tăng theo vì khi đó các yếu tố khác ổn định, không có những tăng khác như vàng, USD… mà chỉ trông chờ vào tăng lương. Nhưng gần đây tăng liên tục các cú sốc khác mà lương tăng không đáng kể.

Ví dụ tăng giá xăng dầu tăng tới 40% thì lương tăng 10% cũng không ăn thua. Lương thực thực phẩm đã tăng tới giới hạn, thống kê chính thức là trong nước tăng 40% nhưng thực tế có những mặt hàng lên tới 70%, thậm chí 100% .

“Người bán cũng sẽ không đẩy giá lên quá cao nếu không muốn mất khách,” ông Phong nhận định.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng DN muốn điều chỉnh giá thì phải đợi chu kỳ sản xuất chứ không phải tùy tiện thích tăng giá lúc nào cũng được.

Lãnh đạo DN sẽ phải tính toán để điều chỉnh giá bán theo chi phí sản xuất và sức ép tăng lương từ nhân viên. Thường thì DN phải điều chỉnh dự phòng lạm phát tăng, nhưng nếu tăng giá quá cao thì thị trường sẽ chối bỏ.

TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lại cho rằng tăng lương cơ bản và sắp tới điều chỉnh giá bán điện theo thị trường từ 1/6 sẽ tác động không nhỏ đến giá cả thị trường. Tuy vậy, ông Kiêm dự báo CPI của tháng 5 sẽ không tăng cao như tháng 4.

Theo bạn, lương công chức đang “bám đuổi” theo giá cả như thế nào? Mức tăng lương lần này liệu sẽ tác động thế nào tới mặt bằng giá? Mọi ý kiến trao đổi mời gửi về [email protected] hoặc nhập vào hộp phản hồi phía dưới.